Nhóm nghiên cứu khảo sát thực tế và lấy mẫu các loài thực vật họ sim tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.
Tháng 11/2019, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu, phát triển nấm và tài nguyên sinh vật (Sở KH&CN Hà Tĩnh) triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu đa dạng loài và thành phần hóa học trong tinh dầu của một số loài thuộc họ sim (Myrtaceae) ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ – Hà Tĩnh”.
Đây là đề tài nhằm góp phần đánh giá tính đa dạng loài, phân tích thành phần hóa học tinh dầu của một số loài trong thực vật họ sim để phục vụ công tác bảo tồn, khai thác hợp lí, phát triển xanh và bền vững.
Sau hơn 1 năm triển khai, qua điều tra về họ sim ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ bước đầu nhóm nghiên cứu đã xác định được 33 loài và 1 thứ, 10 chi, các chi có số lượng từ 1 – 18 loài. Thực vật họ sim ở đây có sự đa dạng về loài và thân, yếu tố địa lý, môi trường sống và giá trị sử dụng.
Nhiều loài họ sim có hàm lượng tinh dầu cao (chủ yếu trong lá).
Ông Trần Hậu Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, phát triển nấm và tài nguyên sinh vật – chủ nhiệm đề tài chia sẻ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của đề tài là xác định được hàm lượng và thành phần hóa học trong tinh dầu lá của thực vật họ sim.
Đến nay, chúng tôi đã xác định được hàm lượng của 10 loài. Hầu hết tinh dầu của các loài có màu vàng nhạt đến màu trắng và nhẹ hơn nước, trong tinh dầu chủ yếu là các monoterpene và sesquiterpene (các hợp chất).
Cũng theo nhóm nghiên cứu, tinh dầu của một số loài thuộc họ sim ở Hà Tĩnh chứa một số hợp chất chính có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, chống lại một số loại nấm, côn trùng và có tiềm năng chống bệnh ung thư. Hoạt tính sinh học của tinh dầu có thể phụ thuộc vào hợp chất chính hoặc sự kết hợp giữa hợp chất chính và một số thành phần phụ khác.
Nhóm nghiên cứu thực hiện chưng cất tinh dầu.
Bên cạnh đó, đề tài cũng đã xác định được hoạt tính kháng muỗi (muỗi Aedes albopictus) của tinh dầu lá loài trâm quả trắng, loài trâm bullock và loài trâm tích lan. Trong đó, tinh dầu lá loài trâm quả trắng có tỉ lệ gây chết cao nhất, đạt 67,50% trong thời gian 24h và đạt 72,50% trong thời gian 48h ở nồng độ 100 μg/ml. Trên cơ sở kết quả này có thể tiến hành các nghiên cứu ứng dụng tinh dầu của loài trâm quả trắng vào thực tiễn đời sống.
“Ngoài ra, chúng tôi đã thử hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định của tinh dầu lá loài trâm quả trắng, loài trâm bullock, loài trâm tích lan và loài trâm hoa dài. Kết quả cho thấy tinh dầu lá của cả 4 loài đều có khả năng kháng các chủng vi khuẩn Gram (+) – vi khuẩn gây bệnh viêm, nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, loài trâm quả trắng và loài trâm bullock còn có khả năng kháng chủng nấm men Candida albicans. Đặc biệt, tinh dầu lá loài trâm bullock còn có thêm khả năng kháng chủng Escherichia coli (vi khuẩn gây tiêu chảy, nhiễm trùng)” – ông Trần Hậu Khanh cho biết thêm.
Đánh giá kết quả đề tài, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, phát triển nấm và tài nguyên sinh vật Trần Đức Hậu cho biết, trên cơ sở các kết quả bước đầu, cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu hơn về hoạt tính của tinh dầu loại họ sim.
Trung tâm mong muốn tiếp tục được hỗ trợ để tiến hành các nghiên cứu ứng dụng tinh dầu của những loài họ sim này vào sản xuất các loại chế phẩm tiêu diệt côn trùng gây bệnh. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thành phần hóa học trong tinh dầu ở các bộ phận khác nhau của các loài trong họ sim và nghiên cứu các hoạt tính sinh học tinh dầu của chúng để phục vụ ngành y tế trong điều trị bệnh.