“Vua của các loài rau”
Nấm ăn là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng protein chiếm 30-40%, rất giầu các chất khoáng, có đủ 8 acid amin thiết yếu, các loại vitamin A, B, C, D, K, E, các nguyên tố vi lượng, hàm lượng polysaccariti, hydratcacbon và một số hoạt chất sinh học quan trọng mà nhiều loại thực phẩm khác không có, tác dụng làm trẻ hóa tế bào, chống được các bệnh béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, đặc biệt có khả năng kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư.
Nấm được trồng trên vật liệu hữu cơ không cần sử dụng phân bón hóa học và hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy còn được xem là loại “rau sạch”, “thực phẩm sạch”. Hiện nay, việc nghiên cứu và sản xuất nấm ăn trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành sản xuất quy mô công nghiệp.
Hiện nay, nước ta hội đủ các điều kiện cần thiết để phát triển ngành công nghiệp sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm. Vì vậy cần có những giải pháp để đẩy mạnh phát huy tiềm năng nghề trồng nấm ở nước ta.
Nghề trồng nấm tại Hà Tĩnh
Nghề trồng nấm được du nhập vào huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà – Hà Tĩnh từ năm 2001 mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Đến năm 2002 huyện Thạch Hà bắt đầu đến với nghề trồng nấm với sự hổ trợ kinh phí của Sở KH&CN và Bộ KH&CN thông qua dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu” với 6 tiêu chí đặt ra: xây dựng cơ sở sản xuất giống nấm và chế biến nấm; tiếp nhận và làm chủ công nghệ nhân giống nấm cấp I, II, III; đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân ứng dụng công nghệ sản xuất giống, trồng, chế biến nấm; xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu; bảo quản, chế biến nấm và tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm. Và Trung tâm Nấm Thạch Hà ra đời để thực hiện dự án. Cho đến nay, Trung tâm đã xây dựng được một hệ thống đầy đủ trang thiết bị, sản xuất giống nấm công suất 50 tấn/năm, đảm bảo phục vụ nhu cầu của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh, tiếp nhận và làm chủ công nghệ sản xuất 11 loại giống nấm và đã chuyển giao công nghệ trồng nấm cho nông dân.
Năm 2011, Trung tâm Nấm tiếp tục triển khai dự án KHCN cấp tỉnh “Ứng dụng chuyển giao Khoa học và công nghệ sản xuất một số giống nấm chất lượng cao”, với mục tiêu nhằm phát huy tối đa cơ sở vật chất hiện có, lưu giữ giống gốc và tổ chức sản xuất giống cấp 1, 2 đủ tiêu chuẩn để sản xuất nấm thương phẩm; hoàn thiện quy trình sản xuất 4 loại nấm chất lượng cao (Nấm Kim Châm, Ngọc châm, Đùi gà, và nấm Đầu khỉ), làm chủ công nghệ sản xuất giống phục vụ cho nhu cầu nuôi trồng trong và ngoài tỉnh, tạo ra sự đa dạng về sản phẩm nấm cung cấp cho nhu cầu thị trường làm tiền đề cho việc nhân rộng, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân.
Đến nay Thạch Hà đã sản xuất và chế biến được gần 200 tấn nấm các loại, trong đó mô hình trồng nấm tập trung đạt gần 20 tấn; trên 150 tấn nấm thuộc các mô hình vệ tinh. Anh Nguyễn Văn Sáu – Phó GĐ Trung tâm chuyển giao KHCN của huyện cho biết: “Nhờ vào sự nỗ lực phấn đấu của toàn bộ hệ thống dự án nên mô hình trồng nấm thực sự đạt được kết quả ngoài sức tưởng tượng; được Hội đồng KHCN chuyên ngành cấp Nhà nước đánh giá thành công xuất sắc, bởi dự án đã thu hút hàng trăm hộ nông dân thuộc các xã, thị trấn của huyện Thạch Hà tham gia. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã chuyển giao công nghệ trồng nấm thương phẩm cho nhiều hộ nông dân ở các huyện khác như Hương Khê, TP Hà Tĩnh, Đức Thọ, Lộc Hà…; nguồn giống còn phục vụ cho cả nông dân 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Bình”.
Dự án sản xuất nấm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Chị Trần Thị Minh – một người dân trồng nấm ở xóm Đông Tân – xã Thạch Tân (Thạch Hà) hồ hởi nói: “Cách đây gần 2 tháng, tôi dùng 2 tấn nguyên liệu để sản xuất nấm và đến nay tôi chỉ mới thu hoạch hơn một nửa nhưng cũng đã được 7 tạ nấm, bán ra với giá bình quân 10.000đ/kg, thu 7 triệu đồng, thật không ngờ trồng nấm lại cho thu nhập cao như vậy; mùa vụ tiếp theo tôi sẽ tiếp tục mở rộng trồng nấm ra diện tích rộng hơn”.
Ông Đỗ Khoa Văn – GĐ Sở KH&CN Hà Tĩnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà kiêm chủ nhiệm đề tài KH cấp Nhà nước về xây dựng mô hình sản xuất giống nấm tại Thạch Hà, nay là Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Năm 2013, Sở chủ trương tham mưu cho tỉnh triển khai mạnh mẽ chương trình Nấm trên địa bàn toàn tỉnh thành một cây trồng chủ lực, tập trung các loại Nấm ăn thông dụng như nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, nấm mộc nhĩ và cả nấm cao cấp như kim châm, ngọc châm, đùi gà, trà tân,…; nấm dược liệu như linh chi, đầu khỉ. Chú trọng phát triển trang trại nấm gắn với việc phát triển các DN, HTX, hộ kinh doanh về nấm, vừa tạo ra khối lượng hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, vừa làm tốt công tác tiêu thụ chế biến với công nghệ tiên tiến.
Phải khẳng định rằng, Nghề trồng Nấm ở Hà Tĩnh đã có sự thành công bước đầu. Từ đây, người nông dân có thêm nghề mới, nâng cao thu nhập, tận dụng được nhân công nhàn rỗi, các phụ phẩm nông nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường; bã thãi trồng Nấm khi thải ra sẽ được xử lý thành phân hữu cơ để trồng rau an toàn và hoa chất lượng cao. Dự án đã đi đúng hướng trong việc xây dựng mô hình phát triển sản phẩm phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, trong đó nấm ăn và nấm dược liệu là 1 trong 9 sản phẩm được chọn lựa. Đồng thời dự án cũng góp phần đắc lực trong việc t hực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM ở Hà Tĩnh.