Đẩy mạnh ứng dụng enzym trong xử lý nguyên liệu trồng nấm

Việc ứng dụng enzym trong xử lý môi trường nhân giống nấm giúp rút ngắn thời gian, giảm tỉ lệ nhiễm, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản phẩm.

Toàn cảnh hội thảo

 

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Huy Trọng nhấn mạnh: “Nghề sản xuất nấm ngoài mang lại những lợi ích về kinh tế, tận dụng được những phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp còn là sản phẩm sạch, có giá dinh dưỡng và dược liệu. Với ý nghĩa đó, việc giới thiệu quy trình sản xuất một số giống nấm chất lượng cao và kỹ thuật ứng dụng enzym trong xử lý nguyên liệu trồng nấm nhằm góp phần đa dạng hóa các sản phẩm và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động”.

Hội thảo lần này cũng là dịp để bà con sản xuất nấm có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất với mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

TS. Diệp Quỳnh Như – chuyên viên Phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành (Sở KH&CN): Sử dụng enzym trong xử lý nguyên liệu trồng nấm sẽ tăng hiệu quả kinh tế; hướng tới quy trình sản xuất nấm sạch, thân thiện với môi trường.

Tại hội thảo, đại biểu và các hộ trồng nấm đã được nghe các chuyên gia, cán bộ kĩ thuật trình bày các chuyên đề như: kỹ thuật sử dụng enzym trong xử lý nguyên liệu trồng nấm; kết quả sử dụng chế phẩm enzym trong nuôi trồng nấm tại Hà Tĩnh; quy trình sản xuất nấm hoàng đế và nấm linh chi GA3; giới thiệu 2 chủng nấm dược liệu là nấm vân chi và nấm hầu thủ…

Qua thực tế cho thấy, việc ứng dụng chế phẩm enzym chứng minh được ưu điểm vượt trội, đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Enzym giúp đơn giản hóa việc xử lý, rút ngắn thời gian ủ chín nguyên liệu từ 4-7 ngày bằng vôi cho nguyên liệu mùn cưa xuống còn 6-12h. Tỷ lệ nhiễm bệnh giảm, tơ nấm mọc đều và sớm mọc kín bịch. Thu hoạch rộ vào giai đoạn đầu thu hái cho nấm sò, có thể tiết kiệm thời gian. Năng suất tăng nhẹ từ 4-7%, tỷ lệ nhiễm bệnh giảm. Hiệu quả kinh tế tăng, giảm công lao động và thời gian mỗi vụ. Việc sử dụng enzym thay thế vôi góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất xanh, sạch, bền vững.

Các giống nấm mới có giá trị dinh dưỡng và giá trị dược liệu rất lớn; hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại nấm thông thường; quy trình sản xuất phù hợp điều kiện tại địa phương.

Anh Lê Như Sang – cán bộ phụ trách Phòng Kỹ thuật – Công nghệ – Sản xuất (Trung tâm Nghiên cứu, phát triển nấm và Tài nguyên sinh vật): Nấm hoàng đế chứa nhiều chất dinh dưỡng như giàu đạm, nhiều chất xơ, các vitamin nhóm B và cacbohydrat.

Các chuyên gia cũng nghe chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật ứng dụng enzym của hộ trồng nấm và thảo luận định hướng phù hợp để phát triển nhân rộng các giống nấm, sản xuất nhiều sản phẩm đưa lại lợi nhuận, xây dựng thương hiệu nấm uy tín.

Tiến sĩ Trần Hậu Khanh – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Nấm và Tài nguyên sinh vật: Hướng dẫn ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu
Trong khuôn khổ hội thảo, đại biểu cùng các hộ trồng nấm tham quan các khu vực trồng giống nấm vân, nấm hầu thủ, nấm hoàng đế và nấm linh chi GA3,…

Bên cạnh trang bị thêm những kiến thức về enzym, các hộ trồng nấm cũng có cơ hội tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm làm chủ tiến bộ khoa học công nghệ, thực hiện thành công giống nấm mới, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của nghề trồng nấm.

Báo Hà Tĩnh